Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

Giải pháp của các đơn vị đào tào trong đáp ứng yêu cầu mới về nguồn nhân lực

Những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều nền kinh tế, nhiều ngành nghề, trong đó có Dệt May Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) trong ngành phải thay đổi nhằm thích ứng với tình hình mới, trong đó có nội dung cốt lõi là phải chuẩn bị nguồn nhân lực đủ mạnh đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.

 

Cụ thể, sau đại dịch, một số nhãn hàng nước ngoài đã chuyển khâu thiết kế, phát triển mẫu, quản trị NPL về các DN Dệt May Việt Nam, vì vậy đòi hỏi các DN phải có nguồn nhân lực đạt trình độ đảm nhiệm các khâu này.

 

Ngoài ra dịch Covid-19 cũng đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình số hóa khi mà thời gian vừa qua để đảm bảo giãn cách xã hội, chúng ta thường xuyên sử dụng mạng Internet để làm việc, giao tiếp, trao đổi công việc. Rất nhiều những lĩnh vực khác trong ngành cũng đang dần chuyển đổi số, đó là thiết kế, quản lý đơn hàng, quản trị sản xuất, quản lý NPL, phân phối, bán hàng...

 

Với trọng trách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DN của ngành và đóng góp một phần nhân lực cho xã hội, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trong hệ thống đã có nhiều định hướng, giải pháp đổi mới và hiệu quả.

 

Gắn chương trình đào tạo với công nghệ số

 

Trước yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 và sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, trong những năm qua, các trường đều tập trung đưa công nghệ số vào chương trình đào tạo.

 

Tại trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội, công tác rà soát, xây dựng lại chương trình đào tạo cũng như cập nhật mới toàn bộ các nội dung liên quan đến số hóa đã được thực hiện. Các phần mềm giảng dạy của nhà trường hiện nay cũng được nâng cấp. Về đội ngũ giảng viên, nhà trường tạo điều kiện cho các thầy cô tham gia các đề tài nghiên cứu cấp ngành, cấp quốc gia. Gần đây nhất là "Nghiên cứu đề xuất mô hình ứng dụng LEAN cho DN ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số"đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các DN May trong ngành. Ngoài ra, khi chưa có dịch hoặc dịch được kiểm soát, giảng viên, cán bộ nhà trường thường xuyên được được cử đi tham quan, nghiên cứu, khảo sát tại các DN ứng dụng  công nghệ mới nhất, các hội chợ, triển lãm, hội thảo khoa học về chuyển đổi số.

 

Thiết bị đào tạo của nhà trường đang được nâng cấp số hóa

 

Theo TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội, nhà trường đã triển khai mô hình nhà máy thông minh dựa trên các đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên, đặc biệt là mô hình LEAN trong bối cảnh chuyển đổi số. Trường cũng đã đầu tư các phần mềm mang tính công nghệ cao như phòng học ERP, phòng học kế toán ảo, các phần mềm thiết kế của lĩnh vực điện và cơ khí...

 

Đào tạo gắn với nhu cầu DN

 

Là cơ sở đào tạo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho DN trong ngành, các trường luôn xác định mục tiêu sinh viên ra trường phải bắt kịp được yêu cầu công việc cũng như đảm đương tốt nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, kế hoạch đào tạo của mỗi trường đều gắn bó mật thiết với tiêu chuẩn của DN.

 

Trường CĐ Công nghệ TP.HCM (trước đây là CĐ Kinh tế - Kĩ thuật Vinatex TP.HCM) hiện đã ký kết với hơn 100 DN nhằm tạo môi trường thực tập cũng như cơ hội việc làm cho sinh viên. Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên đã được đến thăm quan, trải nghiệm công việc với mục đích cọ xát thực tế, tiếp cận công nghệ mới cũng như các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ số. Trong kết cấu chương trình đào tạo của nhà trường, thời gian dành thực hành chiếm 80%, còn lại là lý thuyết nhằm trang bị kĩ năng làm việc một cách tối đa cho người học.

 

CĐ Công nghệ TP.HCM dành 80% chương trình học cho thực hành

 

Sinh viên Vương Thị Hương – Trường CĐ Công nghệ TP.HCM chia sẻ: "Trước khi ra DN thực tập, chúng em có rất nhiều thời gian thực hành tại trường nên cũng không quá nhiều bỡ ngỡ, hơn nữa các cô chú anh chị tại DN cũng rất nhiệt tình giúp đỡ, giải đáp các thắc mắc. Chế độ ưu đãi cũng rất tốt, cuối tháng chúng em còn có lương."  

 

Không chỉ đáp ứng yêu cầu công việc, mỗi sinh viên ra trường còn phải thích nghi với môi trường DN, xã hội và cộng đồng, trở thành một người công dân tốt, có trách nhiệm, ý thức kỉ luật cao. TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: "Mô hình "Học tập thông qua phục vụ cộng đồng" đang được ĐH Nguyễn Tất Thành ưu tiên áp dụng. Qua hình thức này, sinh viên được trao cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, từ đó rèn luyện về kĩ năng sống, kĩ năng làm việc và ý thức vì mọi người."

 

Sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành tham gia hỗ trợ điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19

 

Có thể thấy, trong đại dịch Covid-19, hiệu quả đến từ mô hình này càng trở nên rõ nét khi nhà trường có 407 sinh viên khoa Y, 91 sinh viên khoa điều dưỡng tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện, cơ sở phòng chống dịch tại quận huyện trên địa bàn thành phố HCM. Khoa Du lich và Việt Nam học của trường mỗi ngày nấu hơn 300 suất cơm hỗ trợ sinh viên khó khăn, F0 và lực lượng tuyến đầu.

 

Có một nguồn nhân lực chất lượng cao là mong muốn, là đích đến của tất cả các DN  dệt may hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng CN 4.0 cũng như những thay đổi trong cách thức, vị trị làm việc thời hậu Covid-19.

 

Vì vậy, những giải pháp, mô hình đào tạo mới rất cần được quan tâm, thúc đẩy và lan tỏa để công tác "trồng người" ngày càng phát huy hiệu quả, trang bị thành công cho ngành một đội ngũ cán bộ, công nhân lao động "Vững về tư tưởng, nhận thức - Mạnh về trình độ, kỹ năng - Chuẩn về kỷ luật, tác phong - Giỏi trong lao động công tác  theo đúng phương châm: "Học để biết - Học để làm - Học để tự khẳng định - Học để cùng chung sống".

 

Vĩnh Hồng

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website