Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Hạnh phúc khi được làm cán bộ công đoàn

Thời gian trôi nhanh như "bóng câu qua cửa sổ", thấm thoắt đã 33 năm, chị Trần Thị Thanh Phượng - cô công nhân rụt rè, xinh xắn ngày nào nay đã là Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng -CTCP, đầy năng lực và uy tín, là một trong 90 chủ tịch công đoàn tiêu biểu toàn quốc.

 

Lần nào nhận được đề nghị phỏng vấn viết bài, chị Phượng cũng từ chối: "Chị có gì đâu em, mình cố gắng làm, sáng kiến này nọ chung quy cũng là vì thương anh chị em thôi, công nhân mình vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Hơn nữa, trong ngành còn rất nhiều gương mặt cán bộ công đoàn xuất sắc nhưng lại ít được biết tới, mình nên viết về họ." Thuyết phục mãi, chị mới dặn dò: "Chị chỉ làm được một tí thôi, chủ yếu do lãnh đạo tạo điều kiện, các thế hệ công đoàn đi trước đã làm rất tốt rồi, chị lại được anh chị em trong Ban Chấp hành và cả người lao động ủng hộ, hỗ trợ rất nhiều. Em đừng viết gì ca ngợi mà chị ngại lắm."

 

Chị Trần Thị Thanh Phượng – người cán bộ công đoàn luôn làm nhiều hơn nói ấy vẫn luôn giản dị, khiêm nhường như thế. Trong 35 năm gắn bó với Tổng Công ty Việt Thắng, chị đã coi nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Nhìn thấy doanh nghiệp ngày càng vững vàng qua bao thăng trầm, đời sống người lao động được cả tập thể, từ lãnh đạo chuyên môn cho tới tổ chức công đoàn quan tâm, chăm lo, ngày càng được nâng cao; rồi khi, công nhân tìm tới mình, tìm đến tổ chức công đoàn để chia sẻ chuyện vui, chuyện buồn, những khó khăn, vướng mắc, chị thấy rất vui và cảm động. Giúp được người lao động, nhìn thấy niềm vui, nụ cười của anh chị em, chị sung sướng vô cùng. Chị Phượng từng tâm sự rằng "Chị thấy mình thật hạnh phúc khi được làm cán bộ công đoàn!"

 

Chị Trần Thị Thanh Phượng (áo xanh) - người cán bộ công đoàn mẫn cán, hết lòng vì NLĐ

 

Trưởng thành từ thực tiễn sản xuất

 

Khác với một số cán bộ công đoàn được chuyển sang từ chuyên môn, cán bộ đoàn hay từ công tác đảng, chị Phượng trưởng thành lên từ thực tiễn lao động sản xuất.

 

Sau khi vào làm công nhân sản xuất tại Nhà máy Dệt Việt Thắng một thời gian ngắn, chị đã được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng công đoàn. Những năm tiếp theo, quá trình trưởng thành của chị luôn có sự gắn bó mật thiết giữa vị trí quản lý sản xuất với các chức danh trong tổ chức công đoàn. Từ tổ trưởng sản xuất- Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn tới trưởng ca sản xuất, phụ trách lao động, thi đua- Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Dệt. Năm 2006, chị được bầu là Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty, rồi từ năm 2009 tới nay, chị mới làm chuyên trách, Chủ tịch Công đoàn. Sau đó, chị lại được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Quản trị, Phó Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty; Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Dệt May Việt Nam 3 khóa liên tiếp (khóa III- khóa V).

 

Từ thực tế sản xuất đi lên, chị Phượng nhận thức rõ những khó khăn của người cán bộ công đoàn chưa được qua trường lớp đào tạo bài bản. Bởi vậy, quá trình làm việc cũng đồng thời là quá trình học tập không ngừng nghỉ của chị: học từ các lãnh đạo chuyên môn, công đoàn, từ đồng nghiệp, học từ chính người công nhân mà mình trực tiếp quản lý. Sau hơn chục năm vừa làm vừa học, chị đã có bằng Cử nhân Kinh tế và hoàn thành khóa lý luận nghiệp vụ công đoàn.

 

Tâm và tầm của người cán bộ công đoàn

 

Thấu hiểu hơn ai hết những vất vả lam lũ của người công nhân, đặc biệt nữ công nhân ngành dệt - một ngành có điều kiện lao động nặng nhọc, thu nhập chưa cao, vì vậy mọi cố gắng, nỗ lực của người Chủ tịch Công đoàn như chị đều hướng đến mục tiêu "Tất cả vì người lao động".

 

Tổng Công ty Việt Thắng vốn là một đơn vị có bề dày truyền thống. Lãnh đạo và tổ chức công đoàn nơi đây không chỉ quan tâm đến thu nhập, điều kiện làm việc mà luôn chăm lo đến mọi mặt đời sống, quyền lợi của người lao động.

 

Cửa hàng công đoàn của Tổng Công ty Việt Thắng do Công đoàn trực tiếp quản lý

 

Không dừng lại, không tự thỏa mãn với những gì đã đạt được, trên cương vị một người cán bộ công đoàn, chị Phượng ngày đêm trăn trở, tìm mọi cách để nâng cao đời sống người lao động hơn nữa. Chị cùng Ban Chấp hành thuyết phục lãnh đạo chuyên môn đưa vào thỏa ước lao động tập thể những quy định cụ thể về thưởng lễ, tết, tham quan du lịch, hỗ trợ tiền xe, tiền gửi trẻ, tiền sinh nhật, trợ cấp và các phúc lợi khác…, đặc biệt là duy trì cam kết của Tổng Công ty đảm bảo khi nghỉ hưu, ngoài trợ cấp theo chế độ BHXH, người lao động được  hỗ trợ  thêm 1một khoản bằng  ½ tháng lương cơ bản cho mỗi năm làm việc.

 

Những nỗ lực, vất vả của chị và tổ chức công đoàn nơi đây đã mang lại hoa trái ngọt ngào: người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài. Tại Việt Thắng, đã có nhiều thế hệ gia đình công nhân cùng làm việc, cống hiến cho đơn vị. Như vậy, doanh nghiệp vẫn giữ được nguồn nhân lực tay nghề cao trong bối cảnh thị trường luôn thiếu lao động chất lượng ngành dệt; đáp ứng kịp thời cho nhu cầu phát triển; đồng thời lại tiết kiệm được chi phí tuyển dụng, đào tạo.

 

Trong giai đoạn chuyển đổi, hội nhập, công tác công đoàn không đơn giản chỉ là chăm lo đời sống, mà còn phải quan tâm đến công tác tư tưởng, sắp xếp lao động, bảo đảm việc làm, thang bảng lương…

 

Thực tế này đòi hỏi người cán bộ công đoàn vừa phải thường xuyên cập nhật kiến thức, có bản lĩnh và kĩ năng đối thoại thuyết phục lãnh đạo đơn vị để bảo vệ quyền lợi của người lao động; vừa phải không ngừng tuyên truyền, vận động anh chị em chấp hành chính sách pháp luật, tôn trọng quyền, lợi ích của người sử dụng lao động, đồng lòng, gắn bó với công ty để cùng vượt qua những lúc khó khăn.

 

Phần thưởng xứng đáng

 

Gắn bó với Tổng Công ty Việt Thắng suốt 33 năm qua, có thể nói, mọi suy nghĩ, trăn trở, mọi tâm huyết, tình cảm, chị đều dành cho người lao động, cho sự phát triển doanh nghiệp.

 

Chị vinh dự được nhận danh hiệu Chủ tịch CĐCS Tiêu biểu toàn quốc lần IV năm 2019

 

Tập thể lãnh đạo và người lao động nơi đây cũng như Công đoàn Dệt May Việt Nam đều hiểu, trân trọng và ghi nhận những đóng góp miệt mài, không ngừng nghỉ của chị. Gần 35 năm cống hiến, chị Trần Thị Thanh Phượng đã được rất nhiều cấp khen thưởng như danh hiệu "Cán bộ Công đoàn xuất sắc" nhân kỷ niệm 15 năm và 20 năm thành lập Công đoàn Dệt May Việt Nam; Chiến sĩ Thi đua Bộ Công Thương giai đoạn 2009-2011; Chủ tịch CĐCS Tiêu biểu toàn quốc lần IV năm 2019; Đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành dệt may Việt Nam năm 2020; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba...

 

 

Một số sáng kiến của Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng trong cải thiện đời sống NLĐ

 

Thành lập cửa hàng tiện ích phục vụ công nhân

 

Đặc thù công nhân đi ca kíp, ít có thời gian mua sắm, chăm sóc gia đình. Với mong muốn hỗ trợ người lao động, chị đã đề xuất lãnh đạo đơn vị dành một diện tích nhỏ ngay cổng công nhân ra vào làm việc để mở cửa hàng do công đoàn quản lý. Việc thuê người làm và kinh doanh phải tính toán hợp lý sao cho thu đủ bù chi, vừa phục vụ công nhân đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với giá rẻ, vừa có lãi. Với tiêu chí đó, cửa hàng thuê 2 công nhân nghỉ hưu thường trực ở cửa hàng, còn lại hơn chục người là công nhân đang làm ở Tổng Công ty đi ca thường trực, buổi sáng đi sớm bán hàng, đến giờ thì vào làm việc, không ảnh hưởng đến công việc sản xuất kinh doanh của đơn vị. Hầu hết công nhân làm việc tại cửa hàng đều có hoàn cảnh khó khăn.

 

Sau hơn 7 năm thành lập, cửa hàng của công đoàn ngày càng phát triển, hoạt động hiệu quả, lao động được sắp xếp hợp lý, tiết kiệm chi phí nhân công, tiện lợi cho công nhân trong việc mua sắm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với giá rẻ hơn bên ngoài, bán trả chậm cho công nhân khó khăn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Doanh thu cửa hàng từ 50 triệu đồng/tháng đến nay đã tăng lên 250 triệu đồng/tháng. Tiền lãi được tích lũy dùng để bổ sung nguồn vốn, trả lương công nhân cửa hàng, tặng quà công nhân khó khăn hàng quý . 7 năm qua, đã có 2500 suất quà trị giá 500 triệu đồng được gửi tới người lao động.

 

Sáng kiến này của chị và Công đoàn Việt Thắng đã được lãnh đạo Tổng Công ty và công nhân lao động tin tưởng, hỗ trợ và ủng hộ nhiệt tình.

 

 

Xây dựng 2 sân bóng đá và 2 sân bóng chuyền phục vụ công nhân

 

Chứng kiến sau những giờ làm việc căng thẳng, công nhân có nhu cầu sinh hoạt vui chơi, giải trí, thể thao, nhưng anh em thì phải thuê sân đá bóng với chi phí cao, chị em thì lại không có chỗ chơi thể thao, chị Phượng đã bàn bạc với Ban Chấp hành Công đoàn và đề xuất lãnh đạo cải tạo khu đất trống trong khuôn viên, xây dựng thành 2 sân bóng đá mi ni và 2 sân bóng chuyền. Những công trình này đã tạo nên sân chơi bổ ích, hướng công nhân vào các loại hình giải trí lành mạnh sau giờ làm việc, góp phần rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần và phòng chống tệ nạn xã hội trong công nhân. Công đoàn cũng trực tiếp đứng ra quản lý khu thể thao này. Từ những sân chơi bóng đá và bóng chuyền, phong trào thể thao của Tổng Công ty được công nhân hưởng ứng tích cực và ngày một phát triển. Nhiều đơn vị trong Tổng Công ty đã thành lập được đội bóng. Giải bóng đá, bóng chuyền nơi đây đã trở thành giải thể thao truyền thống và được Công đoàn đứng ra tổ chức hàng năm. Sức khỏe người lao động được cải thiện rõ rệt, tinh thần thoải mái, phấn chấn, tình cảm đồng nghiệp thêm gắn bó, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Hiệu ứng tích cực này còn tác động cả tới hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Tổ chức lại hoạt động của căng tin để chăm lo cho mọi đối tượng CNVLĐ

 

Căng tin được mở ra, đặt tại nhà ăn với mục đích chủ yếu là bồi dưỡng chế độ độc hại tại chỗ cho công nhân của Tổng Công ty. Tuy nhiên, để có thể phục vụ tốt hơn cho người lao động, chị Phượng đã có sáng kiến đầu tư, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại căng tin với nhiều mặt hàng giải khát phong phú, an toàn, giá rẻ cho toàn bộ CNVLĐ của đơn vị. 

 

Tới nay, căng tin ngày càng hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt cho công nhân. Tiền lãi được sử dụng để cung cấp bữa ăn sáng miễn phí cho anh chị em với chi phí 400 triệu đồng/năm; nước mát phục vụ công nhân trong xưởng mùa nắng nóng với giá trị hơn 30 triệu đồng/tháng, góp phần bồi dưỡng sức lao động, giảm bớt chi phí, khó khăn cho công nhân. Đặc biệt, lợi nhuận ấy còn được dùng để tổ chức những bữa ăn bổ dưỡng trong suốt một tuần cho mỗi công nhân mang thai sắp tới ngày sinh, công nhân mắc bệnh nặng, đã điều trị khỏi và đi làm lại.

 

Mua cổ phần từ lợi nhuận hoạt động kinh tế để có thêm điều kiện chăm lo cho công nhân

 

Một thực tế tại đơn vị khiến chị Phượng nhiều đêm trăn trở, kinh phí hoạt động công đoàn thì có hạn, nhiều công nhân lại cần vay vốn để giải quyết khó khăn gia đình. Để tránh cho người lao động khỏi mắc bẫy tín dụng đen với lãi suất cắt cổ luôn chực chờ mời chào người lao động ít hiểu biết, chị đã đề xuất với lãnh đạo, công đoàn trích nguồn tích lũy từ những hoạt động kinh tế, mua cổ phần của Tổng Công ty để công đoàn vừa có điều kiện tham gia vào công tác quản lý, cổ tức thì được dùng để chăm lo cho người lao động trên mọi mặt của đời sống như: học bổng cho con lao động nghèo, trợ vốn cho anh chị em vay giải quyết khó khăn gia đình... Hàng năm, có khoảng 200 công nhân được vay, với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng.

 

Từ nguồn hỗ trợ của công đoàn, nhiều công nhân đã được giải quyết khó khăn kịp thời, thêm yên tâm công tác, gắn bó hơn với doanh nghiệp. Họ thực sự đã coi Việt Thắng như tổ ấm của mình, các cán bộ công đoàn, mà chị Thanh Phượng là người đứng đầu, như những người thân thương, ruột thịt.

 

 

 

                                                                                                                          Bài: Nguyễn Thị Thu Hương

Ảnh: Vĩnh Hồng

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website