Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Những quy định bổ sung, sửa đổi về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/9/2020

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/9/2020 và thay thế Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016. Sau đây là những điểm mới Nghị định 88/2020/NĐ-CP được áp dụng từ ngày 15/9/2020 mà người lao động cần biết:

 

Công nhân may mặc được khám sức khỏe bệnh nghề nghiệp định kỳ

 

1. Về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động

 

So với Nghị định số 37/2016/NĐ-CP, Nghị định số 88/2020/NĐ-CP đã bổ sung các nội dung chi tiết hơn về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động như sau:

 

- Quy định rõ và cụ thể từng chế độ được Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (điểm a, khoản 1, Điều 4).

 

- Quy định cụ thể về tiền lương để tính chi trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc một lần và hồ sơ, điều kiện, thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động (khoản 2, 3, 4, Điều 4)

 

2. Chế độ cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp

 

Nghị định số 88/2020/NĐ-CP đã bổ sung những điểm mới, có lợi hơn với người lao động và quy định rõ ràng hơn về các trình tự thủ tục hưởng chế độ, cụ thể là:

 

- Thay vì quy định cũ là người lao động "phát hiện bị bệnh nghề nghiệp", ở Nghị định mới này quy định: người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc thôi việc hoặc chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác mà chỉ cần nghi ngờ hoặc thấy có triệu chứng, dấu hiệu bị bệnh nghề nghiệp do các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp trước đó đã làm việc gây nên thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp (khoản 1, Điều 5);

 

- Quy định riêng về gửi hồ sơ sức khỏe cá nhân và lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp cho từng đối tượng người lao động (người lao động đã nghỉ hưu, thôi việc và người lao động đã chuyển làm công việc khác) - điểm a, b, khoản 1, Điều 5;

 

- Quy định về hướng giải quyết trong trường hợp hồ sơ của người lao động không có số liệu quan trắc môi trường lao động tại thời điểm làm các nghề, công việc có nguy cơ bệnh nghề nghiệp hoặc thất lạc hồ sơ quan trắc môi trường lao động, hoặc thất lạc hồ sơ sức khỏe trước khi thực hiện quy định mới tại khoản 1, Nghị định này (khoản 2, Điều 5);

 

- Bổ sung thêm đối tượng là thân nhân của người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ chi phí khám chữa bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, Nghị định cũng quy định cụ thể các chế độ mà người lao động và thân nhân của người lao động được chi trả, trong đó giữ nguyên mức hỗ trợ 100% chi phí khám bệnh nghề nghiệp và nâng mức hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp thay quy định cũ là 50% (khoản 3, Điều 5);

 

- Quy định cụ thể về các điều kiện hưởng hỗ trợ và hồ sơ, trình tự giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho người lao động (khoản 4, 5, 6, 7, 8, 9, Điều 5);

 

3. Bổ sung một số quy định hướng dẫn thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động mà trước đó Nghị định số 37/2016/NĐ-CP không quy định, cụ thể là:

 

- Bổ sung quy định về hồ sơ giải quyết chế độ tử tuất theo quy định tại Điều 53 của Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với trường hợp bị tai nạn giao thông khi đang thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc đi từ nơi làm việc về nơi ở (Điều 6);

 

- Bổ sung quy định về hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định lại sau khi thương tật, bệnh tật tái phát (Điều 7);

 

- Bổ sung quy định về hồ sơ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi giám định tổng hợp do tiếp tục bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp (Điều 8);

 

- Bổ sung quy định về ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật (Điều 9). Theo đó, số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật theo quy định tại Điều 54 của Luật An toàn, vệ sinh lao động bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động và trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật;

 

- Bổ sung quy định về tham gia Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Điều 10);

 

- Bổ sung quy định về thời gian, tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Điều 11).

 

4. Về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Mục 1, chương III)

 

- Quy định chủ thể được hỗ trợ trợ kinh phí đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc là người sử dụng lao động (quy định cũ là người lao động)-Điều 12. Quy định này phù hợp với  điều kiện thực tế vì bố trí công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe của người lao động là thuộc thẩm quyền của người sử dụng lao động và trên cơ sở đó người sử dụng lao động chủ động thực hiện việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho phù hợp.

 

- Bổ sung  thêm điều kiện được hỗ trợ: là người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (khoản 3, Điều 12);

 

- Bổ sung quy định số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần (điểm b, khoản 2, Điều 13)

 

- Bổ sung hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp: bản sao có chứng thực biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa (Điều 14)

 

5. Về hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp

 

- Điều kiện hỗ trợ: quy định người sử dụng lao động (quy định cũ là người lao động) được hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Với quy định này, người lao động không phải trực tiếp đi làm thủ tục để nhận hỗ trợ mà người sử dụng lao động sẽ chi trả kinh phí cho người lao động và thực hiện thủ tục nhận hỗ trợ từ cơ quan bảo hiểm. Đồng thời, điều kiện hỗ trợ cũng bỏ quy định người sử dụng lao động thực hiện quan trắc môi trường lao động (Điều 16);

 

- Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám. (quy định cũ không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám) -Điều 17. Với quy định mới này, mức hỗ trợ đã được quy định bằng một số tiền cụ thể và sẽ không bị thay đổi bởi sự điều chỉnh của mức lương cơ sở hằng năm;

 

- Về hồ sơ đề nghị hỗ trợ: bỏ quy định bản sao có chứng thực kết quả quan trắc môi trường lao động cho phù hợp với quy định tại Điều 16 và bổ sung bản sao chứng từ thanh toán các chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định (Điều 18).

 

6. Về hỗ trợ chữa bệnh nghề nghiệp

 

- Điều kiện hỗ trợ: bỏ quy định người sử dụng lao động đã tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định (Điều 20). Việc bỏ quy định này phù hợp với điều kiện thực tế và giảm bớt thủ tục cho người lao động được hưởng hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp;

 

- Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người (quy định cũ không quá 10 lần mức lương cơ sở/người) -Điều 21. Tương tự như quy định về mức hỗ trợ khám bệnh, mức hỗ trợ chữa bệnh cũng được quy định bằng một số tiền cụ thể và sẽ không bị thay đổi bởi sự điều chỉnh của mức lương cơ sở hằng năm.

 

7. Về hỗ trợ phục hồi chức năng lao động

 

- Điều kiện hỗ trợ kinh phí: bổ sung quy định người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (khoản 3, Điều 24);

 

- Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động tối đa bằng 50% chi phí phục hồi chức năng lao động tính theo biểu giá phục hồi chức năng lao động tại thời điểm người lao động phục hồi chức năng lao động theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 3 triệu đồng/người/lượt (mức cũ không vượt quá 2 lần mức lương cơ sở) - khoản 1, Điều 25. Mức hỗ trợ cũng được quy định bằng một số tiền cụ thể và sẽ không bị thay đổi bởi sự điều chỉnh của mức lương cơ sở hằng năm;

 

- Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng cho người lao động: quy định người sử dụng lao động  là chủ thể thực hiện thủ tục giải quyết hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng cho người lao động (quy định cũ là người lao động) -Điều 27. Với quy định này, người lao động không phải trực tiếp đi làm thủ tục để nhận hỗ trợ mà người sử dụng lao động sẽ chi trả kinh phí cho người lao động và thực hiện thủ tục nhận hỗ trợ từ cơ quan bảo hiểm.

 

8. Về hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

 

- Điều kiện hỗ trợ: bổ sung quy định người sử dụng lao động có thời gian liên tục đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện từ đủ 12 tháng trở lên cho đến tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (quy định cũ từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí mà không yêu cầu điều kiện thời gian liên tục); Bổ sung quy định người sử dụng lao động thuê tổ chức huấn luyện có đủ điều kiện theo quy định hoặc tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện lần đầu hoặc huấn luyện định kỳ theo đúng quy định pháp luật hiện hành và người sử dụng lao động thực hiện báo cáo định kỳ công tác an toàn, vệ sinh lao động, báo cáo tình hình tai nạn lao động của năm trước liền kề năm đề nghị cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo đúng quy định của pháp luật (Điều 32). Quy định mới này yêu cầu người sử dụng lao động để đáp ứng điều kiện hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động phải tổ chức thực hiện các hoạt động này trên thực tế;

 

- Bổ sung quy định về nguyên tắc hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (Điều 33);

 

- Mức hỗ trợ: bổ sung quy định người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ tối đa một lần trong vòng 24 tháng với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế cho từng đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ huấn luyện và đưa ra mức tối đa đối với hỗ trợ huấn luyện lần đầu, huấn luyện định kỳ và với từng đối tượng với mức tiền cụ thể thay vì quy định theo mức lương cơ sở như quy định cũ ( Điều 34).

 

Như vậy, Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 có hiệu lực từ ngày 15/9/2020 đã bổ sung nhiều điểm mới cụ thể và chi tiết hơn để hướng dẫn thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động. Kể từ thời điểm trên, Nghị định số 37/2016/NĐ ngày 15/5/2016 hết hiệu lực thi hành.

 

Bích Trần

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website