Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Kỉ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2020): Nhớ về Bác Tôn - Người đặt nền móng cho tổ chức Công đoàn

Trong sự nghiệp cách mạng hơn 60 năm, Chủ tịch Tôn Đức Thắng hay còn được gọi một cách thân thuộc là Bác Tôn đã trải qua nhiều vị trí, từ công nhân bị bóc lột đến cán bộ công đoàn, cán bộ Đảng, lãnh đạo cấp cao của trung ương và Chủ tịch nước. Nhưng về tư tưởng, tâm hồn và phong cách, Bác vẫn là người công nhân luôn mang trong mình "chất thợ", là người bạn của giai cấp công nhân và là người đã đặt nền móng cho tổ chức Công đoàn Việt Nam hôm nay.

 

 

Sáng lập Công hội bí mật, đặt nền móng cho tổ chức Công đoàn

 

Bác Tôn, sinh ngày 20/8/1888 tại tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Năm 1909, Bác vào làm ở xưởng đóng tàu Ba Son, là một trong những người thợ giỏi song cũng là người tích cực vận động anh em công nhân đấu tranh chống lại những chính sách hà khắc, vô lý của thực dân Pháp. Năm 1916, Bác Tôn bị đưa sang Pháp làm lính thợ phục vụ cho hải quân nước này.

 

Ngày 20/4/1919, Chiến hạm của Pháp ngang nhiên tiến công Biển Đen và bắn phá cảng Xêvaxtôpôn của nước Nga Xôviết, lúc này Bác đã dũng cảm, cùng anh em binh lính trong hạm đội Pháp, đứng lên phản chiến. Bác đã kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm để ủng hộ nước Nga - Nhà nước Xôviết đầu tiên trong lịch sử.

 

Sau vụ việc này, Bác bị buộc phải rời khỏi nước Pháp và trở về nước. Thời điểm đó, phong trào công nhân Sài Gòn đang diễn ra mạnh mẽ, với lòng yêu nước, nhiệt tình, Bác Tôn đã tập hợp được anh em công nhân Sài Gòn vào Công hội bí mật do mình tổ chức.

 

Trong điều kiện hoạt động bí mật, phải đối mặt với nhiều hiểm nguy và khó khăn, Công hội Sài Gòn vẫn không ngừng trưởng thành (đến năm 1925 đã có khoảng 300 hội viên), thực sự là tổ chức tương thân, tương trợ của công nhân và vận động, hướng dẫn công nhân đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho mình. Đặc biệt, cuộc bãi công của công nhân Ba Son tháng 8/1925 gắn với vai trò tổ chức, lãnh đạo của Công hội bí mật Sài Gòn đã trở thành cột mốc lịch sử và là dấu son rạng ngời trong truyền thống giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam.

 

Có thể nói, sự ra đời của Công hội bí mật tại Sài Gòn - trung tâm công nghiệp của cả nước lúc bấy giờ, có ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng. Đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, đánh dấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân Việt Nam từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức. Từ thực tiễn vận động thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật, Bác Tôn đã đặt nền móng cho cho tổ chức Công đoàn Việt Nam; đặt cơ sở về lý luận, nghiệp vụ công tác Công đoàn, để các thế hệ cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động tiếp nối, nghiên cứu, đúc rút và củng cố, hoàn thiện, phát triển.

 

 

Những bài học quý giá Bác Tôn để lại cho tổ chức Công đoàn

 

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng về sự hy sinh, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, như Bác Hồ đã khẳng định: "Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu về đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".

 

Tấm gương sáng ngời ấy đã để lại cho tổ chức Công đoàn và các thế hệ cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động nhiều bài học vô cùng quý giá, đó là: Giữ gìn, bồi đắp bản chất giai cấp công nhân; Giữ vững lập trường giai cấp công nhân; Phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, giải quyết hài hòa quan hệ giai cấp - dân tộc phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng; Gắn bó máu thịt giữa tổ chức công đoàn với công nhân, chú trọng tổ chức, vận động, giáo dục công nhân, lấy việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân làm mục tiêu hành động, làm nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; Phát hiện, tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân uu tú, tạo nguồn phát triển đảng viên, bổ sung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ công đoàn toàn diện về chính trị, tự trọng, đạo đức, kỹ năng vận động, tổ chức hoạt động thực tiễn để hoàn thành xuất sắc trọng trách trước giai cấp công nhân.

 

Kỉ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2020), cán bộ đoàn viên, người lao động Dệt May bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những cống  hiến xuất sắc của Người - Vị lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam; đồng thời nguyện được học tập Chủ tịch Tôn Đức Thắng để xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn và ngành Dệt May Việt Nam không ngừng lớn mạnh.

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website