Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới
Nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội luôn là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng dân số, điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã quy định: "Nâng cao chất lượng dân số là chính sách cơ bản của Nhà nước trong sự nghiệp phát triển đất nước. Nhà nước thực hiện chính sách nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần nhằm nâng cao chỉ số phát triển con người của Việt Nam lên mức tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Trong 60 năm qua, Dân số Việt Nam đã khống chế thành công được tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, đạt và duy trì mức sinh thay thế trong hơn một thập kỷ qua. Tốc độ tăng dân số nước ta đã giảm xuống 1,14% giai đoạn 2009-2019. Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt mức sinh thay thế (1) sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) đề ra và được duy trì cho đến nay. Từ năm 2007, dân số bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng với nhóm dân số trong độ tuổi lao động lớn, tạo đà cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện: chỉ số Phát triển con người HDI (Human Development Index tăng liên tục đạt mức trung bình cao, dân trí, chất lượng nhân lực cải thiện, chiều cao, thể lực con người tăng; có khoảng 54,4% bà mẹ mang thai và 38,5% trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị bệnh tật bẩm sinh; tuổi thọ trung bình tăng lên 73,5 tuổi; nhu cầu về dịch vụ KHHGĐ của người dân cơ bản được đáp ứng, nhóm dân số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm, được tạo điều kiện tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ DS - KHHGĐ. Những thành tựu này đã tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia đình hạnh phúc.
Tuy nhiên, thành công của giảm sinh vừa là thành tựu đồng thời cũng là thách thức đối với công tác dân số trong tình hình mới, cụ thể là:
Thứ nhất, mức sinh không đồng đều giữa các vùng: khu vực khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao tập trung chủ yếu là các tỉnh phía Bắc, miền núi và trung du, các tỉnh Tây nguyên. Đô thị, vùng kinh tế - xã hội phát triển mức sinh đã xuống thấp, có nơi rất thấp tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Thách thức đặt ra là nhóm đối tượng dân số có trí tuệ, thể chất tốt, có tiềm lực về kinh tế để nuôi dạy, đào tạo để tạo ra nguồn dân số với chất lượng tốt có xu hướng không muốn sinh con; còn đối tượng ở các vùng khó khăn về kinh tế xã hội lại sinh nhiều. Điều này khiến chất lượng dân số chưa đạt như kỳ vọng.
Thứ hai, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh (số trẻ em trai sinh ra so với 100 trẻ em gái vượt quá mức so với quy luật tự nhiên nằm trong khoảng từ 103 - 107 trẻ trai so với 100 trẻ gái) xuất hiện ở nước ta vào năm 2006 với tỷ số là 109/100 và năm 2019 là 111,5/100 vẫn đang ở mức cao, ngày càng lan rộng cả thành thị và nông thôn. Theo dự báo năm 2050 Việt Nam sẽ dư khoảng 4,3 triệu nam giới, điều này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường có thể thấy trước, đó là nạn nhập khẩu cô dâu, nhiều nam giới không có khả năng và điều kiện lấy vợ, cấu trúc gia đình bị phá vỡ, nạn mại dâm, nạn buôn bán phụ nữ,...
Thứ ba, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa năm 2011 và giai đoạn dân số già sau 2035, đặc biệt là giai đoạn dân số siêu già khoảng năm 2045 - 2050. Thời kỳ dân số vàng với già hóa dân số diễn ra gần như cùng lúc. Giai đoạn dân số vàng của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các nước khác, chỉ vào khoảng 17 năm (dự báo tới năm 2025). Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Cơ cấu dân số vàng Việt Nam mới chỉ có nghĩa là dân số trong độ tuổi từ 15 - 64 tuổi, mới chỉ mang lại khả năng và cơ hội chứ chưa phải là đã đem lại kết quả ngay cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Thứ tư, mặc dù phân bố dân cư trên phạm vi cả nước đã có sự hợp lý hơn, tuy nhiên năm 2019, nước ta có 96,2 triệu người, là nước đông dân thứ 15 trên thế giới, mật độ dân số nước ta lên tới 290 người/km (Thế giới khoảng 60 người/km2). Việt Nam là nước có quy mô dân số lớn và mật độ dân số rất cao. Hơn nữa, tỷ lệ dân đô thị của nước ta còn rất thấp (34,5%) và phân bố dân số rất không đồng đều. Đồng bằng sông Hồng chiếm 6% diện tích đất đai lại là nơi cư trú của 23,4% dân số cả nước (hơn 22,5 triệu người). Trong khi đó, Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên chiếm hơn 45% diện tích đất nước nhưng số dân chỉ chiếm 19,1 % dân số cả nước. Chênh lệch mật độ càng cao khi xét ở cấp tỉnh/thành phố và cấp huyện/quận. Nhiều quận của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mật độ lên đến trên 40.000 người/km2.
Thứ năm, chất lượng dân số mặc dù đã được nâng lên song chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội hội nhập toàn cầu. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tầm vóc, thế lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người.Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư và ở nhiều đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế.
Nhằm nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW trong đó nêu rõ: "Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển". Nghị quyết số 21-NQ/TW đã đưa ra 5 quan điểm, 8 nhóm mục tiêu với các chỉ tiêu cụ thể và 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Để thực thi hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW, nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:
Một là, tập trung truyền thông các vấn đề duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi của dân số ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững; thích ứng với già hóa dân số đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phân bố dân số hợp lý, đảm bảo hài hòa các quyền và nghĩa vụ của người di cư, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đưa ra các hoạt động truyền thông giáo dục, chuyển đổi hành vi để tạo sự cam kết ủng hộ của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội về chương trình nâng cao chất lượng dân số. Tăng cường tuyên truyền tư vấn, hỗ trợ nâng cao sức khỏe thể chất, trí tuệ và tinh thần cho các nhóm đối tượng đặc biệt. Triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ và vận động để tăng sự chấp nhận sàng lọc sơ sinh tại cộng đồng; đào tạo, cung cấp thiết bị cho các trung tâm tư vấn, dịch vụ dân số cấp tỉnh, thành phố.
Hai là, về mặt chính sách cần tiếp tục đầu tư để chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em, đầu tư nguồn lực áp dụng các giải pháp y học, phát triển thành tựu khoa học của thế giới để kiểm soát bệnh tật, kiểm soát thai nhi trước sinh, dùng giải pháp tiến bộ khoa học để nâng cao chất lượng giống nòi. Nhà nước cần ban hành chính sách khuyến khích khám sức khỏe tiền hôn nhân và sàng lọc trước sinh, sơ sinh như đưa các dịch vụ này vào trong chính sách bảo hiểm y tế để người dân tự thấy được quyền lợi mà họ được hưởng để thực hiện sẽ là chính sách khả thi và hiệu quả trong thời gian tới.
Cùng với đó, cần mở rộng mang lưới cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và tổ chức cung cấp các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến tuyến cơ sở để đáp ứng đầy đủ nhu cầu, thuận tiện với chất lượng ngày càng cao. Hình thành mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật. Chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ tại một số địa bàn trọng điểm. Cung cấp dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh tại y tế cơ sở, chú trọng phổ cập, đưa dịch vụ đến tuyến xã. Mở rộng mạng lưới, nâng cao hiệu quả dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh phù hợp với toàn quốc và từng địa phương. Tăng cường kết nối, hợp tác các cơ sở cung cấp dịch vụ công lập và ngoài công lập. Hỗ trợ cá nhân, gia đình có các vấn đề về bệnh di truyền, nâng cao phúc lợi xã hội và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế…
Ba là, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về tuyên truyền phổ biến các phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi và siêu âm chọn giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại các tỉnh, thành phố.
Nâng cao chất lượng dân số, nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam và trình độ dân trí không chỉ là việc của ngành Y tế, Dân số mà của toàn xã hội. Do đó, để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra cần tập trung mọi nguồn lực và huy động sự tham gia của từng gia đình và từng cá nhân để đưa Nghị quyết 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đi vào thực tiễn cuộc sống.
Bích Trần
(1) Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống hoặc là mức sinh tính bình quân trong toàn xã hội thì mỗi cặp vợ chồng có hai con.
Other
- Một số giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ của công nhân, người lao động Dệt May
- Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn cần giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện
- Quy định về mối quan hệ phối hợp công tác giữa công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố
- Đàn ông và câu chuyện ngoại tình
- Video: Bay cao ước mơ năm 2024
- Giới trẻ ngày nay trong lằn ranh của “thực tế” và “thực dụng”
- Góc thơ: Thành kính tiếc thương
- Ngồi đây nhưng anh em làm gì đều biết cả đấy!
- Ngọn lửa nồng nàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho công nhân, Công đoàn
- Tóm tắt tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Từ ngày 25/12/2024, mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký
- Điều kiện và quy trình xét chọn công nhân lao động tiêu biểu là đảng viên để tôn vinh tại Hội nghị toàn quốc lần thứ I năm 2025
- Mở rộng thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam
- Nghĩa đồng bào phía sau cơn bão mạnh nhất miền Bắc trong vòng 30 năm qua
- Những ý tưởng mới được ghi nhận từ chuyến thăm Công ty CP Gang thép Thái Nguyên
- Bí thư Đảng ủy Vinatex: Hoạt động công đoàn cần thực chất, hướng về cơ sở và mang màu sắc Dệt May
- Giai cấp công nhân và phong trào công đoàn quốc tế tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Sâu sát với Công đoàn, công nhân
- Công đoàn Dệt May Việt Nam: Những hoạt động - sự kiện nổi bật 6 tháng đầu năm 2024